Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Bài học “gối đầu giường” doanh nhân

Bài học “gối đầu giường” doanh nhân

BÁCH HỢP

ĐH Havard

Doanh nhân không chỉ có thu nhập cao, mà còn đóng vai trò “người xây dựng” nền kinh tế thế lực. Ngồi ở vị trí cao cấp đồng nghĩa với việc nhận lãnh trách nhiệm quan trọng.
Vậy nên, doanh nhân cần:
- Nhận thức: tầm quan trọng của việc thoát ly khỏi mọi lề lối. Lãnh đạo đi liền với đổi thay và hy vọng ở tương lai. Khi điều hành công ty, doanh nhân cần dấn bước vào những lãnh thổ chưa được khai phá, để rèn luyện cách đương đầu với các khó khăn ẩn giấu và khám phá nhiều tri thức tiềm tàng.
- Cam kết: không ngừng học tập để nâng cao năng lực bản thân. Nếu bệnh thì không thể chăm sóc người ốm. Nếu nghèo thì không thể hỗ trợ người đói. Nếu không học thì không thể giúp người ít học.
- Để có được địa vị lãnh đạo, doanh nhân hẳn đã từng trải qua đủ thành công và thất bại. Khiêm tốn khi thành công và kiên cường khi thất bại là phẩm chất căn bản phải mãi duy trì.
- Sẵn sàng đầu tư phát triển nhân viên. Đừng ngần ngại giúp đỡ đồng nghiệp và cấp dưới phát huy tiềm năng của họ một cách tối đa.
- Học cách liên kết với cá nhân không phù hợp. Khi gặp người có tính cách và phương án xử lý vấn đề khác mình, hầu hết đại gia thấy “chướng mắt” nên né xa, loại bỏ, hoặc ra sức thay đổi đối phương. Nhưng, người lãnh đạo giỏi cần nhìn ra ưu điểm của mọi nhân viên, đồng thời, chấp nhận tài năng thay vì cứ xăm soi thiếu sót.
- Công bằng và chính trực. Mọi nhân viên luôn yêu cầu sự công bằng. Họ muốn được lắng nghe. Điều quan trọng không phải là quyết định cuối cùng của bạn có trùng với kiến nghị cấp dưới đã đưa lên? Mà vấn đề cốt lõi là công việc tiến triển rõ ràng, minh bạch.
- Trung thành với tổ chức, nghề nghiệp, cộng đồng, xã hội, mà đặc biệt là gia đình.
- Có trách nhiệm không chỉ với kết quả công việc mà còn với tiến trình thực hiện và những người cộng tác cùng mình suốt chặn đường dài. Cách thức đạt được thành quả sẽ hình thành chính con người bạn.
- Chủ doanh nghiệp là người có đặc quyền. Chính xác. Đó là sức mạnh, nhưng cũng là gánh nặng. Thành quả đạt được càng cao thì lòng trắc ẩn phải càng nhiều. Học tập phải đi kèm thấu hiểu.
- Nhân viên đánh giá “sếp” không dựa vào lời hứa, mà căn cứ trên hành động và kết quả đã đạt được. Thành công phải gắn liền với tình cảm và lòng quan tâm đến mọi người xung quanh.
- Biết cười khuyết điểm của chính mình. Lãnh đạo là phải ý thức sự thất bại và hạn chế của chính mình, để phát triển dựa trên sự khiêm tốn và tính nhân văn.

10 lời khuyên cho người lần đầu tiên khởi nghiệp

10 lời khuyên cho người lần đầu tiên khởi nghiệp

ENTREPRENEUR/SAGA

Tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp trẻ gây dựng cơ đồ và có thể cố vấn, giúp đỡ thế hệ kế tiếp chinh phục giấc mơ của họ. Chính những kiến thức được truyền từ thế hệ doanh nhân này sang thế hệ doanh nhân khác sẽ tạo ra cái nhìn sâu sắc, là nền tảng của sự thành công của những doanh nhân khởi nghiệp trong tương lai.
Dưới đây cũng chính là những gì mà tôi đã mong muốn được biết khi thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình.
1. Tập trung. Tập trung. Tập Trung

Nhiều doanh nhân nghĩ rằng mình luôn phải nắm bắt mọi cơ hội có được. Tuy thế, nhiều cơ hội kinh doanh cũng thường là con sói trong lốt cừu non. Đừng quan tâm quá nhiều tới những thứ bên lề. Việc ôm đồm quá nhiều sẽ làm sức mạnh của bạn giảm đi, dẫn đến hạn chế cả hiệu quả và năng suất. Tốt nhất là làm được một việc trọn vẹn, hoàn hảo, còn hơn là làm 10 việc một lúc mà việc nào cũng làng nhàng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần phải nhảy sang một dự án khác cũng có nghĩa rằng ý tưởng ban đầu của bạn đang có vấn đề.
2. Biết việc mình làm, làm việc mình biết
Đừng bắt đầu kinh doanh chỉ bởi bạn cảm thấy nó có vẻ hấp dẫn hay có thể đem lại lợi nhuận lớn, mà hãy bắt đầu từ những gì bạn yêu thích. Công việc kinh doanh được gây dựng nên từ chính những điểm mạnh và tài năng của bạn sẽ có khả năng thành công cao hơn. Kinh doanh tạo ra lợi nhuận cũng quan trọng đấy, nhưng cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, thỏa mãn khi nuhững gì mình tâm huyết đang phát triển mạnh mẽ hơn mỗi ngày còn là điều quan trọng hơn. Nếu trái tim bạn không dành cho công việc ấy, chắc chắn bạn sẽ không thể đạt được thành công.
3. Ngắn gọn trong 30 giây hoặc đơn giản là không nói gì cả
Khi có cơ hội gặp gỡ với một nhà đầu tư hay một khách hàng đang tìm hiểu, hãy luôn luôn sẵn sàng để quảng bá về công việc kinh doanh của bạn. Nói rõ những sứ mệnh, dịch vụ và mục đích mà bạn hướng tới một cách rõ ràng, ngắn gọn, súc tích. Hãy chọn cách nói phù hợp với người nghe, hơn là cố gắng nói nhiều hơn, với nhiều người hơn.
4. Biết mình biết gì, biết mình không biết gì, và biết rằng ai biết những điều mình không biết
Chắc chắn trong cuộc sống này chẳng có ai có thể biết hết mọi thứ, nên đừng bao giờ tỏ ra mình là Biết-tuốt. Hãy tập hợp quanh mình những cố vấn, những người sẽ bồi dưỡng bạn thành một lãnh đạo tốt hơn, một doanh nhân thành đạt hơn. Tìm kiếm thành công, kiến thức ở những người mà bạn có chung mối quan tâm cũng như những người nhận thấy có thể nhận được lợi ích khi làm việc với bạn dài hạn.
5. Hành xử như một người mới khởi nghiệp
Hãy tạm gạt những yêu cầu xa xỉ về văn phòng tiện nghi, xe hạng sang hay những khoản chi phí phù phiếm to lớn, trong khi sự sống của công ty bạn vẫn còn phụ thuộc vào ví tiền của bạn. Hãy thực hành và hoàn thiện nghệ thuật tiết kiệm, cẩn trọng với từng đồng, và cũng như uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, hãy uốn tay bảy lần trước khi tiêu bất cứ một khoản nào. Duy trì một chi phí thấp và quản lý dòng tiền của bạn thật hiệu quả.
6. Học từ thực tế
Không một cuốn sách kinh doanh, kế hoạch kinh doanh nào có thể dự đoán chắc chắn được tương lai, hoặc trang bị đầy đủ kiến thức cho bạn để có thể trở thành một doanh nhân thânhf công. Cũng không bao giờ có một kế hoạch hoàn hảo, không có con dường hoàn hảo, không có đường tắt. Tất nhiên, đừng bao giờ nhảy vào giữa một công việc kinh doanh mới mà không có bất kỳ ý niệm nào về nó hay một kế hoạch cụ thể với nó, nhưng cũng đừng mất đến hàng tháng, hàng năm chỉ để ôm cây đợi thỏ. Bạn sẽ dần trở thành doanh nhân thành công chính nhờ va chạm thực tế, quan trọng nhất là bạn phải học hỏi từ những sai lầm và không bao giờ mắc một sai lầm đến lần thứ hai.
7. Sẽ không ai đem tiền cho bạn đâu
Thực thế, khi khởi nghiệp, sẽ không ai đưa không tiền cho bạn đâu. Nếu ngay từ đầu bạn cần một nguồn vốn lớn để bắt đầu đầu tư, kế hoạch của bạn cần phải xem xét lại. Tìm một điểm để bắt đầu thay vì cố chọn điểm kết thúc. Giảm quy mô cũng như các chí phí đắt đỏ. Hãy đơn giản hóa các ý tưởng cho đến khi bạn có thể quản lý nó một cách dễ dàng, tìm cách để kế hoạch hóa mô hình kinh doanh của bạn trên một ngân sách eo hẹp. Nếu bạn muốn tìm kiếm đầu tư, hãy chứng minh được giá trị của mình trước đã. Nếu ý tưởng của bạn thành công một cách hiện hữu, cơ hội huy động vốn từ các nhà đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể.
8. Hãy giữ gìn sức khỏe
Không, tôi không phải là mẹ của bạn đâu nhé. Nhưng tôi đảm bảo rằng bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu tự biết chăm sóc cho mình. Công việc kinh doanh cũng chính là một phong cách sống. Nếu cứ làm việc đến kiệt sức, bạn sẽ tự đốt cháy bản thân mình và công việc cũng sẽ kém hiệu quả hơn. Đừng lý do lý trấu gì nữa, hay ăn uống hợp lý, tập thể dục và dành thời gian cho riêng mình.
9. Đừng trở thành nạn nhân của công việc kinh doanh
Lời nói không quan trọng bằng việc làm. Hãy khẳng định giá trị của bạn thông qua những gì bạn có thể đạt được thay vì những lời ba hoa bốc phét. Hãy cho khách hàng và các nhà đầu tư thấy rằng doanh nghiệp của bạn nhiệt tình mà vẫn trang nhã, thân thiện nhưng không vồ vập. Tránh làm mất lòng tin bằng cách tô vẽ những mục tiêu cao xa nhưng không chắc chắn. Tóm lại, hoặc là bạn chắc chắn làm được, hoặc là nên im lặng.
10. Biết rằng lúc nào cần phải dừng lại
Ngược lại với những gì người ta thường nói, người thuyền trưởng sáng suốt không phải là người sẽ ở lại và chìm nghỉm cùng con tàu. Đừng làm những việc ngu ngốc chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình, tỏ ra mình anh hùng mã thượng, vậy nên cũng phải biết lúc nào cần rút chân khỏi vùng bùn. Nếu ý tưởng của bạn đang tỏ ra thất bại ngày một rõ ràng, chứng tỏ bạn đã làm gì đó sai. Hãy xem lại mình có thể làm gì khác. Rút ra bài học từ những thất bại của chính mình sẽ là hành trang tốt hơn cho bạn và cho những công việc kinh doanh sau này. Thất bại là không thể tránh khỏi, nhưng một doanh nhân đích thực là người sẽ trưởng thành từ những nghịch cảnh.

Vốn Trí tuệ trong kinh doanh

Vốn Trí tuệ trong kinh doanh

Phong cách Doanh nhân

Trong thời đại toàn cầu hóa, các giá trị vô hình được đề cao và là nền tảng cho sự phát triển vững bền của gia đình, doanh nghiệp và đất nước.
Hà Tôn Vinh

Hồi còn trẻ tôi thường mê đọc các chuyện kiếm hiệp, Tam Quốc Chí và Đông Chu Liệt Quốc. Nhiều chuyện tôi vẫn còn nhớ đến ngày hôm nay và thỉnh thoảng có kể vài chuyện tôi còn nhớ cho các lớp Cao học Quản trị Kinh doanh. Biển Thước, một danh y thời Chiến Quốc, vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, một hôm vào chầu vua Tề, thấy vua không được khỏe liền nói: “Thưa Bệ hạ, Bệ hạ có bệnh để thần chữa cho, bệnh của Bệ hạ còn ở phía ngoài da, dễ chữa trị lắm”. Vua Tề xua tay không để ý gì. Ít lâu sau, Biển Thước lại có dịp vào chầu, thấy vua Tề, Biển Thước vội vàng cúi đầu lui ra. Vua Tề thấy lạ liền hỏi: “Sao lần này khanh thấy Ta, khanh không nói gì?” Biển Thước trả lời: “Thưa Bệ hạ bệnh của bệ hạ đã vào đến lục phủ ngũ tạng rồi, thần không chữa nổi”. Thời gian sau đó, vua Tề phát bệnh rồi chết.
Câu chuyện đó theo tôi hơn 30 năm trong đời làm ăn và dạy học. Nhiều doanh nhân trong chúng ta, kể cả tôi,rất giống như vua Tề. Chúng ta không biết chúng ta vào doanh nghiệp chúng ta đang ở đâu và có bệnh gì. Chúng ta không biết mình đang đi về đâu, doanh nghiệp mình phục vụ ai. Chúng ta sẵn sàng từ chối mọi lời góp ý, phê bình và chẩn đoán. Chỉ đến khi nào tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát thì chúng ta mới để ý và tìm cách tháo gỡ. Đa phần các doanh nghiệp trong hoàn cảnh này đều đi đến chỗ đổ vỡ hay lâm vào tình trạng khó khăn nan giải.
Hai cô bạn gái của tôi gần đây có dịp về Việt Nam thăm quê hương, rủ nhau lái xe ô tô ra Vũng Tàu ngắm cảnh. Chiều về ghé qua ăn nhà hàng ở Thị xã Bà Rịa, để quên chìa khóa trong xe rồi đóng cửa lại. Lúc ra không làm sao mở được. Bao nhiêu trai làng và các khách đi qua đều cố gắng giúp đỡ nhưng vô hiệu. Một cụ già thương tình gọi một cậu bé khoảng 15 tuổi gần đó đến giúp. Cậu bé đi đến, trong tay chỉ có một thanh sắt mỏng, đề nghị hai cô gái tỉnh thành trả cho mình 160.000 đồng để mở cửa xe, chắc chắn đây là một số tiền không nhỏ cho cậu bé. Hai cô gái thấy cậu bé nhỏ nhắn, trông không có vẻ gì là có tay nghề, đề nghị trả cho cậu bé 30.000 đồng. Cậu bé nhất định đòi 160.000 đồng. Sau một hồi thương lượng trả giá từ 30.000 lên 50.000 rồi 80.000, 100.000. Cậu bé vẫn không chịu bớt và còn định bỏ đi. Cuối cùng hai cô đồng ý trả 160.000. Cậu bé cho thanh sắt mỏng vào bên cạnh cửa xe, và chỉ trong nháy mắt, cánh cửa mở ra. Hai cô lên xe ra về, gọi điện thoại kể cho tôi nghe với giọng hậm hực vì thua trí cậu bé. Tôi bảo hai cô ấy rằng cậu bé đó là thầy của tôi.
Qua câu chuyện ngắn ngủi đó, chúng ta thấy cậu bé đó biết rất rõ mình và có sản phẩm và chuyên môn gì, khách hàng của mình là ai, môi trường kinh doanh của mình ở đâu và thế nào, nhu cầu và chiến thuật phải đánh mau đánh mạnh thế nào… Doanh nhân chúng ta sau bao nhiêu làm ăn, thậm chí đến tuổi gần về hưu, không mấy người có được những tố chất kinh doanh như cậu bé ở Bà Rịa kia. Cậu bé là thầy của tôi và của nhiều người trong chúng ta ở nhiều khía cạnh. Cậu bé dạy tôi để có thể kinh doanh thành công và bỏ xa được các đối thủ cạnh tranh, tôi cần có sản phẩm độc đáo hay chuyên môn phù hợp với nhu cầu thị trường, biết rõ khách hàng và môi trường kinh doanh của mình, có tài thương lượng và đàm phán.
Câu chuyện cậu bé trên đây làm tôi liên tưởng đến “Chuyện gõ búa” mà tôi rất tâm đắc và thường dùng trong nhiều năm giảng dạy quản trị kinh doanh. Chuyện không có thật nhưng là một ẩn dụ vô cùng hay cho những người kinh doanh bằng lí tưởng, những người làm tư vấn, và những người bỏ công sức trong việc đầu tư chất xám. Một cái máy đang sản xuất đột nhiên dừng lại. Mọi người trong công ty loay hoay tìm cách sửa chữa nhưng không có kết quả. Giám đốc công ty phải mời một chuyên gia đến giải quyết vấn đề này. Chuyên gia đi tới đi lui nhiều lần xung quanh cái máy, xem xét các bộ phận, làm mọi người nóng lòng hối thúc. Đột nhiên vị chuyên giao nay xin một cái búa, đi đến một góc của cái máy, rồi gõ mạnh vào đó. Thế là máy chạy lại được. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Ông giám đốc mời vị chuyên gia vào phòng riêng để cảm ơn và thanh toán tiền công. Chuyện gia đòi thù lao 500 USD cho một phút gõ búa. Giám đốc sững sờ vì số tiền quá lớn cho một công việc quá đơn giản. Gõ búa- một việc ai mà chả làm được. Trong lúc ông giám đốc còn chưa hết ngạc nhiên, ông chuyện gia nói: “Việc gõ búa, tôi chỉ lấy ông giám đốc 1 USD thôi. Nhưng biết gõ chỗ nào cho máy chạy tôi xin ông 499 USD.” Ông giám đốc nhận ra rằng đây là một bài học về quản trị kinh doanh rất quý gia. Chất xám trí tuệ bây giờ là tài nguyên và vốn liếng của doanh nghiệp.
Ngày xưa, sức mạnh và giá trị của một người, của gia đình, công ty hay triều đại được đo bằng số lượng súng ống hay trâu bò, ruộng đất. Sức mạnh thường được thể hiện qua những giá trị hữu hình và vật chất. Ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của cách mạng thông tin… Các giá trị vô hình được đề cao và là nền tảng cho sự phát triển vững bền của gia đình, doanh nghiệp và đất nước. Ở đây chúng ta nói đến chất xám, trí tuệ, nói đến thương hiệu, đến những đóng góp cho xã hội, cho văn hóa, nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Sau khi nước Nhật rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong 20 năm vừa qua, một Ủy ban Quốc gia được thành lập để tìm hiểu nguyên nhân và phương án phục hồi kinh tế. Sau 2 năm nghiên cứu, báo cáo được tóm tắt bằng hai ý tưởng: (1) nước Nhật muốn hồi phục kinh tế sẽ phải lấy văn hóa- các giá trị vô hình làm nền tảng cho sự phát triển, và (2) phải dùng tiếng Nhật làm công cụ để giáo dục và đào tạo con người phục vụ cho sự phát triển đó. Một báo cáo với tầm nhìn cả trăm năm, nhắc nước Nhật con người và vốn trí tuệ là tất cả tài sản và là những gì nước Nhật có.
Nếu ai đó nói với tôi rằng giáo dục và đào tạo như thế sẽ rất tốn kém, lâu dài và không có kết quả ngay trước mắt, tôi sẽ mạnh dạn trả lời ngay bằng một câu của ông Derek Curtis Bok, nguyên giám đốc Đại học Harvard: “If you think education is expensive, try ignorance”, tạm dịch là “Nếu chúng ta nghĩ rằng giáo dục rất tốn kém, thử hỏi sự ngu muội sẽ tốn kém đến chừng nào.”

Vạn sự khởi đầu nan

Vạn sự khởi đầu nan

Bích Thủy

Tạp chí Nhà Quản lý


Đối với bất kì doanh nghiệp đã thành công hay đang thành công thì họ cũng từng bắt đầu từ lúc còn non trẻ. Đây không chỉ là sự khởi động mà còn là giai đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành công cho mỗi doanh nghiệp. Ở thế kỉ của công nghệ, thay vì ngồi nghiên cứu cả đống sách vở chuyên ngành kinh doanh thì “xắn tay” vào công việc mới là hình ảnh của một doanh nhân đích thực.
1.Giai đoạn “tiền trạm”
Điều đầu tiên mà một doanh nhân thành đạt phải làm trước khi mở công ty là nghiên cứu sâu rộng để đảm bảo hiểu rõ về trị trường, đối thủ, nhu cầu của khách hàng, cơ hội cũng như thách thức. Nhiều doanh nhân khai nghiệp bằng cách tình nguyện tham gia các dự án phi lợi nhuận. Điều này cho họ cơ hội bổ sung kiến thức, kinh nghiệp và tạo dựng những mối quan hệ quý báu. Không những thế, hình ảnh của họ cũng được cải thiện rất nhiều trong mắt các đối tác tương lai.
Susan Keuhnhold, chủ sở hữu một hãng thiết kế đồ họa lớn tại Indianapolis, đã khởi nghiệp bằng cách tham gia dự án thiết kế tình nguyện cho trường học của con mình. “Tôi thường tham dự các cuộc họp tại trường, nghe ngóng các nhu cầu của các bậc phụ huynh cũng như của thầy và trò trong trường, đề xuất những gì tôi có thể làm. Nhờ đó, nhiều người biết đến công việc của tôi. Tôi nhanh chóng thiết lập được một mạng lưới khách hàng mà rất nhiều trong đó vẫn duy trì đến hôm nay".
2. Tỉnh táo để nắm bắt cơ hội
Nhà doanh nhân phải luôn giữ cái đầu tỉnh táo và lạc quan, kể cả trong những trường hợp "bi đát”. Đôi khi, cơ hội bỗng hiện ra vào lúc người ta ít mong đợi nhất. Những doanh nhân thành công luôn học cách mở rộng mắt và lắng tai để tìm kiếm mọi cơ hội, dù là nhỏ nhất. Bạn sẽ không biết được công việc bắt đầu từ đâu. Chìa khóa cho thành công là luôn phải gieo hạt giống. Bạn không biết nó sẽ mọc lên loại cây nào, nhưng khi bạn gieo càng nhiều, cơ hội để có một loại cây ưng ý sẽ tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể luận bàn về công việc kinh doanh ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Đảm bảo mình luôn trong tình trạng lên dây cót trước mọi cơ hội tiềm ẩn, chứ không tự đặt mình vào thế bị động khi nó xuất hiện.
3. Đừng bỏ qua những chú cá nhỏ
Kinh doanh cũng giống như đi săn cá, đôi khi nhiều chủ doanh nghiệp dành cả thời gian và tiền bạc để đánh bắt những con cá lớn mà bỏ qua các cơ hội nhỏ. Robyn Frankel, chủ hãng quan hệ cộng đồng ở St. Louis, đã học được rằng những khách hàng với dự án nhỏ nhất cũng có thế biến thành một cơ hội lớn. "Sẽ dễ dàng hơn để phát triển các mối quan hệ sẵn có hơn là thiết lập một cái gì đó mới mẻ", bà nói. Vì thế, bà chào đón cả những dự án dù nhỏ nhất, hoàn thành chúng một cách khôn khéo và chủ động khai thác những cơ hội lớn hơn từ đó.

4. Tìm hình thức quảng cáo cho doanh nghiệp
Sau những kinh nghiệm trải qua trên thương trường, các doanh nhân đều đồng ý rằng phương pháp marketing hiệu quả nhất không phải là quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà là thông qua mạng thông tin cá nhân. "Bạn có thể tiêu tiền cho các hình thức quảng cáo, nhưng bạn sẽ thu lợi được nhiều hơn từ việc thành lập mạng lưới thông tin cá nhân”, Keuhnhold nói. Điều này đồng nghĩa với sự tham gia vào các tổ chức tại cộng đồng, gia nhập các nhóm doanh nhân địa phương, tham dự nhiều sự kiện để gặp gỡ mọi người.
5. Giữ ngọn lửa đam mê
Ai cũng biết đế trở thành một doanh nhân thành đạt là rất vất vả. Thậm chí, họ phải chấp nhận hy sinh nhiều điều quan trọng trong cuộc sống, cũng như sở thích cá nhân. Thời gian của các chủ doanh nghiệp phần lớn dành cho việc chuẩn bị thành lập công ty, thường xuyên lo lắng, bận rộn với công việc của mình. Chính vì vậy, điều thiết yếu là họ phải yêu thích công việc mình đang làm. Từ đó, những công việc phải đối mặt hàng ngày buộc các doanh nhân phải tìm cách giải quyết đã dần trở thành sự đam mê. Mở công ty riêng là một thách thức, nhưng nó rất đáng giá khi bạn có cơ hội để thực hiện niềm đam mê của mình.