Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Vốn Trí tuệ trong kinh doanh

Vốn Trí tuệ trong kinh doanh

Phong cách Doanh nhân

Trong thời đại toàn cầu hóa, các giá trị vô hình được đề cao và là nền tảng cho sự phát triển vững bền của gia đình, doanh nghiệp và đất nước.
Hà Tôn Vinh

Hồi còn trẻ tôi thường mê đọc các chuyện kiếm hiệp, Tam Quốc Chí và Đông Chu Liệt Quốc. Nhiều chuyện tôi vẫn còn nhớ đến ngày hôm nay và thỉnh thoảng có kể vài chuyện tôi còn nhớ cho các lớp Cao học Quản trị Kinh doanh. Biển Thước, một danh y thời Chiến Quốc, vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, một hôm vào chầu vua Tề, thấy vua không được khỏe liền nói: “Thưa Bệ hạ, Bệ hạ có bệnh để thần chữa cho, bệnh của Bệ hạ còn ở phía ngoài da, dễ chữa trị lắm”. Vua Tề xua tay không để ý gì. Ít lâu sau, Biển Thước lại có dịp vào chầu, thấy vua Tề, Biển Thước vội vàng cúi đầu lui ra. Vua Tề thấy lạ liền hỏi: “Sao lần này khanh thấy Ta, khanh không nói gì?” Biển Thước trả lời: “Thưa Bệ hạ bệnh của bệ hạ đã vào đến lục phủ ngũ tạng rồi, thần không chữa nổi”. Thời gian sau đó, vua Tề phát bệnh rồi chết.
Câu chuyện đó theo tôi hơn 30 năm trong đời làm ăn và dạy học. Nhiều doanh nhân trong chúng ta, kể cả tôi,rất giống như vua Tề. Chúng ta không biết chúng ta vào doanh nghiệp chúng ta đang ở đâu và có bệnh gì. Chúng ta không biết mình đang đi về đâu, doanh nghiệp mình phục vụ ai. Chúng ta sẵn sàng từ chối mọi lời góp ý, phê bình và chẩn đoán. Chỉ đến khi nào tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát thì chúng ta mới để ý và tìm cách tháo gỡ. Đa phần các doanh nghiệp trong hoàn cảnh này đều đi đến chỗ đổ vỡ hay lâm vào tình trạng khó khăn nan giải.
Hai cô bạn gái của tôi gần đây có dịp về Việt Nam thăm quê hương, rủ nhau lái xe ô tô ra Vũng Tàu ngắm cảnh. Chiều về ghé qua ăn nhà hàng ở Thị xã Bà Rịa, để quên chìa khóa trong xe rồi đóng cửa lại. Lúc ra không làm sao mở được. Bao nhiêu trai làng và các khách đi qua đều cố gắng giúp đỡ nhưng vô hiệu. Một cụ già thương tình gọi một cậu bé khoảng 15 tuổi gần đó đến giúp. Cậu bé đi đến, trong tay chỉ có một thanh sắt mỏng, đề nghị hai cô gái tỉnh thành trả cho mình 160.000 đồng để mở cửa xe, chắc chắn đây là một số tiền không nhỏ cho cậu bé. Hai cô gái thấy cậu bé nhỏ nhắn, trông không có vẻ gì là có tay nghề, đề nghị trả cho cậu bé 30.000 đồng. Cậu bé nhất định đòi 160.000 đồng. Sau một hồi thương lượng trả giá từ 30.000 lên 50.000 rồi 80.000, 100.000. Cậu bé vẫn không chịu bớt và còn định bỏ đi. Cuối cùng hai cô đồng ý trả 160.000. Cậu bé cho thanh sắt mỏng vào bên cạnh cửa xe, và chỉ trong nháy mắt, cánh cửa mở ra. Hai cô lên xe ra về, gọi điện thoại kể cho tôi nghe với giọng hậm hực vì thua trí cậu bé. Tôi bảo hai cô ấy rằng cậu bé đó là thầy của tôi.
Qua câu chuyện ngắn ngủi đó, chúng ta thấy cậu bé đó biết rất rõ mình và có sản phẩm và chuyên môn gì, khách hàng của mình là ai, môi trường kinh doanh của mình ở đâu và thế nào, nhu cầu và chiến thuật phải đánh mau đánh mạnh thế nào… Doanh nhân chúng ta sau bao nhiêu làm ăn, thậm chí đến tuổi gần về hưu, không mấy người có được những tố chất kinh doanh như cậu bé ở Bà Rịa kia. Cậu bé là thầy của tôi và của nhiều người trong chúng ta ở nhiều khía cạnh. Cậu bé dạy tôi để có thể kinh doanh thành công và bỏ xa được các đối thủ cạnh tranh, tôi cần có sản phẩm độc đáo hay chuyên môn phù hợp với nhu cầu thị trường, biết rõ khách hàng và môi trường kinh doanh của mình, có tài thương lượng và đàm phán.
Câu chuyện cậu bé trên đây làm tôi liên tưởng đến “Chuyện gõ búa” mà tôi rất tâm đắc và thường dùng trong nhiều năm giảng dạy quản trị kinh doanh. Chuyện không có thật nhưng là một ẩn dụ vô cùng hay cho những người kinh doanh bằng lí tưởng, những người làm tư vấn, và những người bỏ công sức trong việc đầu tư chất xám. Một cái máy đang sản xuất đột nhiên dừng lại. Mọi người trong công ty loay hoay tìm cách sửa chữa nhưng không có kết quả. Giám đốc công ty phải mời một chuyên gia đến giải quyết vấn đề này. Chuyên gia đi tới đi lui nhiều lần xung quanh cái máy, xem xét các bộ phận, làm mọi người nóng lòng hối thúc. Đột nhiên vị chuyên giao nay xin một cái búa, đi đến một góc của cái máy, rồi gõ mạnh vào đó. Thế là máy chạy lại được. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Ông giám đốc mời vị chuyên gia vào phòng riêng để cảm ơn và thanh toán tiền công. Chuyện gia đòi thù lao 500 USD cho một phút gõ búa. Giám đốc sững sờ vì số tiền quá lớn cho một công việc quá đơn giản. Gõ búa- một việc ai mà chả làm được. Trong lúc ông giám đốc còn chưa hết ngạc nhiên, ông chuyện gia nói: “Việc gõ búa, tôi chỉ lấy ông giám đốc 1 USD thôi. Nhưng biết gõ chỗ nào cho máy chạy tôi xin ông 499 USD.” Ông giám đốc nhận ra rằng đây là một bài học về quản trị kinh doanh rất quý gia. Chất xám trí tuệ bây giờ là tài nguyên và vốn liếng của doanh nghiệp.
Ngày xưa, sức mạnh và giá trị của một người, của gia đình, công ty hay triều đại được đo bằng số lượng súng ống hay trâu bò, ruộng đất. Sức mạnh thường được thể hiện qua những giá trị hữu hình và vật chất. Ngày nay trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của cách mạng thông tin… Các giá trị vô hình được đề cao và là nền tảng cho sự phát triển vững bền của gia đình, doanh nghiệp và đất nước. Ở đây chúng ta nói đến chất xám, trí tuệ, nói đến thương hiệu, đến những đóng góp cho xã hội, cho văn hóa, nói đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Sau khi nước Nhật rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế trong 20 năm vừa qua, một Ủy ban Quốc gia được thành lập để tìm hiểu nguyên nhân và phương án phục hồi kinh tế. Sau 2 năm nghiên cứu, báo cáo được tóm tắt bằng hai ý tưởng: (1) nước Nhật muốn hồi phục kinh tế sẽ phải lấy văn hóa- các giá trị vô hình làm nền tảng cho sự phát triển, và (2) phải dùng tiếng Nhật làm công cụ để giáo dục và đào tạo con người phục vụ cho sự phát triển đó. Một báo cáo với tầm nhìn cả trăm năm, nhắc nước Nhật con người và vốn trí tuệ là tất cả tài sản và là những gì nước Nhật có.
Nếu ai đó nói với tôi rằng giáo dục và đào tạo như thế sẽ rất tốn kém, lâu dài và không có kết quả ngay trước mắt, tôi sẽ mạnh dạn trả lời ngay bằng một câu của ông Derek Curtis Bok, nguyên giám đốc Đại học Harvard: “If you think education is expensive, try ignorance”, tạm dịch là “Nếu chúng ta nghĩ rằng giáo dục rất tốn kém, thử hỏi sự ngu muội sẽ tốn kém đến chừng nào.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét