Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

THỂ CHẾ K.TẾ VÀ M.TRƯỜNG P.LÝ VỚI VẤN ĐỀ QTDN Ở VN HIỆN NAY

LTS: Học lớp QTDN khóa 14 mà không hiểu QTDN là gì thì cũng hơi buồn ...cười, vậy xin post bài này để mọi người tham khảo hoặc ít nhất cũng hiểu qua qua về QTDN là gì? cái này có thể chỉ đúng ở VN, còn ở Mỹ có khi họ định nghĩa khác.
Luật gia Vũ Xuân Tiền
“QTDN, là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát mọi hoạt động của DN, bao hàm những quan hệ nội bộ DN như các đồng sở hữu, giám đốc điều hành; HĐQT, các kiểm soát viên và những quan hệ với các bên có lợi ích liên quan bên ngoài: cơ quan QLNN, các đối tác KD và môi trường, cộng đồng, xã hội”.

I- QTDN VÀ NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI QTDN

1.    Khái niệm và nội dung QTDN
Thế nào là QTDN? Đó là câu hỏi rất quan trọng và đã có khá nhiều cách lý giải khác nhau tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu. Một cách lý giải đơn giản nhất, xuất phát từ định nghĩa về quản trị theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông như sau:
Quản trịquản lýđiều hành một tổ chức, một công việc nhất định.
Trong đó:
Quản lý là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu, mục tiêu nhất định;
Điều hành là điều khiển mọi bộ phận và quy trình hoạt động theo những nguyên tắc nhất định.
Từ đó:
QTDN là việc tổ chức và điều khiển mọi bộ phận và hoạt động của doanh nghiệp theo những yêu cầu, nguyên tắc nhất định để đạt những mục tiêu được đặt ra từ trước đối với doanh nghiệp.


Ngoài cách lý giải nêu trên, cách lý giải sau đây có nội dung cụ thể hơn và được sử dụng nhiều hơn:
QTDN, là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát mọi hoạt động của DN, bao hàm những quan hệ nội bộ DN như các đồng sở hữu, giám đốc điều hành; Hội đồng quản trị, các kiểm soát viên và những quan hệ với các bên có lợi ích liên quan bên ngoài: cơ quan quản lý NN, các đối tác KD và môi trường, cộng đồng, XH”.

Với những cách hiểu trên, QTDN có những nội dung cơ bản sau đây:
-  Hình thành một cơ cấu tổ chức và quản lý hợp lý, đảm bảo sự công khai, minh bạch để vận hành DN nhằm thực hiện tốt nhất hoạt động KD và thu được lợi nhuận tối đa.
- Giải quyết mâu thuẫn quyền lợi giữa người quản lý DN với chủ sở hữu (Cổ đông, thành viên góp vốn)
- Giải quyết  mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số//thành viên góp vốn lớn,bé.
- Vai trò của QT viên độc lập, các tổ chức kiểm toán độc lập.
- Chính sách đãi ngộ với các nhà quản lý.
- Thủ tục phá sản doanh nghiệp;
- Quyền tư hữu;
- Việc thực thi các điều khoản luật và hợp đồng so sánh hai mô hình QTDN phổ biến trên thế giới QTDN hoạt động thông qua cơ chế bên trong và cơ chế bên ngoài. Cơ chế bên trong bao bồm: (1) Cổ đông và Đại hội đồng cổ đông/thành viên góp vốn, (2) Hội đồng quản trị/hội đồng thành vêin và các nhà quản lý công ty, (3) Các hệ thống kiểm soát nội bộ và (4) Chế độ lương, thưởng và khuyến khích khác.
Những nội dung nêu trên được thực hiện với những chuẩn mực, biện pháp khác nhau và mức độ tiên tiến, hiệu quả cũng khác nhau.

2.    Những nhân tố ảnh hưởng
Từ khái niệm và nội dung được trình bày khái quát trên, QTDN và việc nâng cao năng lực QTDN chịu ảnh hưởng của hai nhóm nhân tố sau đây:
Nhóm 1: Những nhân tố bên trong của từng DN.
Nhóm này bao gồm những nhân tố cơ bản sau:
a.    Những đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp như: Thời gian tham gia hoạt động KD trên thị trường; loại hình; quy mô, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp…
b.    Quan hệ giũa các cổ đông, thành viên góp vốn: DN gia đình có phương thức quản trị và nhu cầu nâng cao năng lực quản trị hoàn toàn khác với DN đại chúng (Công ty TNHH nhiều thành viên không có quan hệ gia đình; Công ty cổ phần đại chúng…);
c.    Trình độ nhận thức của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
Nhóm 2: Những nhân tố bên ngoài doanh nghiệp. Nhóm này bao gồm:
a.    Thể chế kinh tế như sự phân biệt đối xử, các thiết chế để bảo vệ quyền tự do, dân chủ, quyền sở hữu tài sản….
b.    Môi trường pháp lý: sự minh bạch trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp;
c.     Môi trường tự nhiên như: bão, lũ, lụt, biến đổi khí hậu…
d.    Môi trường xã hội: Cấu trúc xã hội, dân số, dân cư, văn hóa, đạo đức xã hội…
Tham luận này chỉ phân tích tác động của hai nhân tố đầu trong nhóm những nhân tố bên ngoài doanh nghiệp là thể chế kinh tế và môi trường pháp lý.


II-TÁC ĐỘNG CỦA THỂ CHẾ KINH TẾ TỚI VẤN ĐỀ QTDN VN HIỆN NAY.
Thể chế kinh tế là gì? Là những luật chơi trong hoạt động KD được qui định bởi luật pháp. Vì vậy, với những luật chơi khác nhau thì mô hình QTDN và việc nâng cao năng lực QTDN cũng khác nhau.
Có thể khẳng định rằng, thể chế kinh tế của nước ta hiện nay đã tạo cho đại bộ phận DN, trong đó, chủ yếu là các DN do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ (Sau đây gọi là DN 100% vốn Nhà nước) không thật sự quan tâm đến QTDN và lại càng không quan tâm tới việc nâng cao năng lực QTDN. Kết luận như trên xuất phát từ những luận cứ sau đây:

1. Mặc dù trên văn bản, các DN 100% vốn Nhà nước đều có những “chủ sở hữu” như Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh…Nhưng về thực chất, các DN này là những DN không có chủ sở hữu. Bởi lẽ, những “chủ sở hữu trên giấy” sẽ không thể đủ điều kiện (ít nhất là về thời gian) để thực hiện quyền của  chủ sở hữu. Hơn nữa, quy định chủ sở hữu DN là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND…là một sự áp đặt khiên cưỡng vì đó là những chính khách, đang hoạt động trên chính trường, không thể là một doanh nhân. Là chính khách, quan chức, công chức họ chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép, ngược lại, là một doanh nhân thì được làm những gì pháp luật không cấm. Đó là một mâu thuẫn không thể dung hòa. Vì vậy, quan tâm đến công tác QTDN và việc nâng cao năng lực QTDN đối với các “chủ sở hữu” này có lẽ chỉ là câu chuyện hình thức mà thôi.

2. Những người được cử làm Đại diện ủy quyền của Chủ sở hữu trong các DN 100% vốn Nhà nước không phải là chủ sở hữu. Họ cũng không thật sự quan tâm đến công tác QTDN và nâng cao năng lực QTDN vì hai lý do: Một là, nếu làm tốt công tác QTDN thì lợi nhuận thu được có cao hơn cũng không phải của họ và thứ hai, lý do quan trọng hơn, nếu làm tốt công tác QTDN, bảo đảm công khai, minh bạch hơn thì hành vi tham nhũng, lãng phí sẽ khó thực hiện hơn. “ Nước không đục thì cò không béo”! Đó là lẽ thường.
3. Với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, QTDN và nâng cao năng lực QTDN cũng chưa được quan tâm đúng mức. Lý do cơ bản thuộc về thể chế kinh tế là ở sự phân biệt đối xử vẫn còn rất nặng nề.
Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam tồn tại các DN thuộc 5 loại: DNNN; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp dân doanh; các Hợp tác xã và các Doanh nghiệp thuộc các Tổ chức chính trị, Chính trị- xã hội, các Hội nghề nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Sau khi gia nhập WTO và đặc biệt là từ 1/7/2010, về lý thuyết, nền kinh tế nước ta chỉ còn các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã (một loại hình doanh nghiệp đặc biệt). Song, trên thực tế, vẫn còn nguyên vẹn các loại doanh nghiệp như trước đây.

III- TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ TỚI VẤN ĐỀ QTDN Ở VN HIỆN NAY.
Môi trường pháp lý là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng tới vấn đề QTDN. Qua hơn 20 năm đổi mới, do đòi hỏi của thực tiễn khách quan và sức ép khi gia nhập WTO, môi trường pháp lý của nước ta đã có những tiến bộ đáng kể. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bàn về tác động của môi trường pháp lý tới vấn đề quản trị doanh nghiệp, có thể khẳng định rằng, hiện nay môi trường pháp lý của nước ta chưa tạo ra động lực để các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hướng tới những chuẩn mực về QTDN theo thông lệ quốc tế.
Trước hết, doanh nghiệp sinh ra là để kinh doanh và săn tìm lợi nhuận. Để đạt được mục đích đó, các doanh nghiệp có nhiều cách khác nhau, ít nhất có thể nêu ba cách sau đây:

1. Lách luật để trốn thuế, gian lận thuế, trốn tránh các nghĩa vụ đối với người lao động và bảo vệ môi trường;

2. Liên kết và hoạt động dưới sự bảo kê của cá nhân hoặc những nhóm quyền lực để thu được những khoản lợi nhuận siêu ngạch;

3. Nâng cao năng lực QTDN để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường.
Trong ba cách đã nêu trên, cách thứ ba phức tạp hơn, đòi hỏi những điều kiện khắt khe hơn và với một thời gian dài. Vì vậy, chỉ khi nào môi trường pháp lý không cho phép hoặc bản thân chủ doanh nghiệp không đủ điều kiện để áp dụng cách thứ nhất và thứ hai, thì doanh nghiệp mới tìm đến cách thứ ba.

IV- VÀI KIẾN NGHỊ
Với những nội dung đã trình bày trên, trong phạm vi đánh giá tác động của hai nhân tố thể chế kinh tế và môi trường pháp lý đến vấn đề QTDN, xin có một vài kiến nghị sau:

Một là, nhanh chóng thực hiện chủ trương cổ phần hóa để giảm đến mức thấp nhất số lượng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đây là vấn đề quan trọng nhất để chuyển một bộ phận lớn các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước – vốn không thật sự quan tâm đến vấn đề QTDN – thành những doanh nghiệp phải quan tâm và đầu tư cho công tác QTDN.

Hai là, xóa bỏ nguyên lý “Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí chủ đạo”- nguyên lý đã tồn tại trong một thời kỳ rất dài từ trước năm 1986 đến nay và tạo ra những biệt lệ với các DNNN, cái nôi của tham nhũng, lãng phí. Khi đó mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh; kinh tế tư nhân sẽ thực sự được coi trọng và phát triển.

Ba là, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản khi ban hành, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng công văn để sửa hoặc bổ sung nội dung thuộc phạm vi của văn bản quy phạm pháp luật và nhanh chóng sửa đổi những nội dung không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được “chỉ đích danh” trong kết quả bước đầu của Đề án 30.

Bốn là, thực hiện quyết liệt hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trong bốn kiến nghị trên sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Khi và chỉ khi đó, công tác QTDN mới được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, các biện pháp, chuẩn mực về QTDN mới được các doanh nghiệp Việt Nam tôn trọng và ứng dụng.
(Theo nhaquanly.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét